16-05-2022
Trường Đại học Tiền Giang là một cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) thuộc hệ thống Giáo dục quốc dân, là trường Đại học công lập, đào tạo nhiều cấp, đa lĩnh vực, đào tạo theo hướng ứng dụng nghề nghiệp. Sứ mệnh của Trường là “đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Nam bộ và cả nước” [1]. Trong quá trình hình thành và phát triển, nhà Trường chú trọng phát triển chất lượng hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Trong đó, hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên luôn được chú trọng đầu tư và khuyến khích phát triển cả về số lượng lẫn về chất lượng [2]. Các hoạt động nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học được triển khai hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên, giúp sinh viên thích ứng tốt với phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ.
TS. Cao Nguyên Thi, Trưởng phòng QLKHCN&HTQT phát biểu tham luận tại Đại hội
Trong những năm gần đây, các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong sinh viên có những chuyển biến tích cực. Các hoạt động hỗ trợ sinh viên trang bị kiến thức, kĩ năng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, kiến tập, thực tập, tham quan thực tế được Hội Sinh viên nhà Trường phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức thường xuyên, liên tục, từ đó có nhiều sản phẩm sáng tạo, đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đạt được nhiều thành tích đáng được ghi nhận và triển khai trong thực tiễn. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Tiền Giang chưa phát triển đúng tầm với đầu tư, tiềm năng về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và số lượng sinh viên của nhà Trường [3].
Bài tham luận này sẽ tập trung nghiên cứu thực trạng của hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên Trường Đại học Tiền Giang với việc phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao cả về số lượng và lẫn về chất lượng của hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên trong những năm tiếp theo.
Hoạt động nghiên cứu khoa học đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong giáo dục đại học của mỗi quốc gia. Nó vừa là chức năng cơ bản bên cạnh hoạt động đào tạo và vừa góp phần tạo nên thương hiệu cho cơ sở giáo dục đại học [4, 5]. Nghiên cứu khoa học là hoạt động không những quan trọng đối với giảng viên trong việc làm thước đo năng lượng của giảng viên, mà còn rất quan trọng với sinh viên nhằm giúp rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề thực tiễn bằng khoa học và nâng cao năng lực chuyên môn, tiếp cận nghề nghiệp [6].
Nghiên cứu khoa học trong sinh viên được phân chia thành 2 loại chính, bao gồm: nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng. Mục đích của các nghiên cứu hàn lâm là để tìm ra các tri thức khoa học mới. Theo đó, nghiên cứu hàm lâm hướng đến việc khám phá hoặc đi tìm bản chất, nguyên lý khoa học của sự vật, hiện tượng [7]. Ngược lại, mục đích của nghiên cứu ứng dụng là thực hiện để tạo ra phương pháp, kỹ thuật, vật liệu, máy móc để phục vụ đời sống con người hoặc để phát triển kinh tế xã hội cụ thể [8].
Đối với các nghiên cứu hàn lâm, sinh viên phải thực hiện theo quy trình gồm các bước: Quan sát sự vật, hiện tượng kết hợp với các nghiên cứu khoa học trước đó làm cơ sở tìm ra các lỗ hỗng trong nghiên cứu. Từ đó, vận dụng tri thức sẵn có để xây dụng ý tưởng nghiên cứu nhằm vá các lỗ hỏng nghiên cứu dưới dạng các giả thuyết nghiên cứu, mô hình nghiên cứu. Theo đó, giả thuyết nghiên cứu cần phải được xây dựng và biện luận dựa trên các lý thuyết nền tảng. Bước tiếp theo là lựa chọn các phương pháp nghiên cứu phù hợp, thu thập, đánh giá số liệu để kiểm định các mô hình và giả thuyết đặt ra, và định hướng nghiên cứu tiếp theo có liên quan đến đề tài [9].
Đối với các nghiên cứu hàn lâm, sinh viên phải thực hiện theo quy trình gồm các bước: Quan sát sự vật, hiện tượng kết hợp với các nghiên cứu khoa học trước làm cơ sở xác định vấn đề cần giải quyết hoặc cần nghiên cứu. Vận dụng tri thức sẵn có để phân tích vấn đề và tìm ra giải pháp; thiết kế giải pháp bằng các phương pháp phù hợp và thực hiện, thi công các giải pháp. Tiến hành thu thập số liệu để đánh giá và nhận định hiệu quả của giải pháp đề xuất trong việc giải quyết vần đề đặt ra [9].
Đối với sinh viên, việc tiếp cận các đề tài nghiên cứu hàn lâm sẽ khó hơn các đề tài nghiên cứu ứng dụng. Nhưng mỗi nghiên cứu đều có ý nghĩa tích cực với sinh viên. Phát triển và duy trì các chương trình nghiên cứu đại học mang lại lợi ích tích cực cho sinh viên, giảng viên và trường đại học. Kết hợp một thành phần nghiên cứu cùng với nền tảng học thuật hợp lý cho phép sinh viên phát triển các kỹ năng tư duy phê phán độc lập cùng với các kỹ năng giao tiếp bằng lời nói và bằng văn bản. Quá trình nghiên cứu tác động đến mục tiêu học tập có giá trị có ảnh hưởng lâu dài khi sinh viên chuẩn bị tiếp cận với các hoạt động nghề nghiệp. Giảng viên tại các trường đại học giảng dạy chuyên sâu có thể tăng cường kinh nghiệm học tập cho sinh viên trong khi được hưởng lợi từ một chương trình nghiên cứu hiệu quả. Khi đó, trường đại học lần lượt được hưởng lợi từ các bài thuyết trình và các ấn phẩm phục vụ để tăng thương hiệu trong cộng đồng khoa học [11, 12].
Trong 5 năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên Trường Đại học Tiền Giang có nhiều bước chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả cao tại các cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên, học sinh tại tỉnh Tiền Giang, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước.
Tính từ năm học 2016-2017 đến nay, Trường có 69 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đã triển khai, nghiệm thu thành công. Sau khi nghiệm thu, các đề tài này được chuyển giao ứng dụng thực tiễn sản xuất góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Tuy nhiên, số lượng các đề tài được chuyển giao còn khá hạn chế và chưa xứng tầm với số lượng đề tài được thực hiện.
Số liệu thống kê cho thấy rằng số lượng đề tài nghiệm thu năm học 2017-2018 tăng gấp đôi so với năm học 2016-2017 từ 14 lên 28 đề tài. Đây là tín hiệu khả quan cho hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên của nhà Trường. Tuy nhiên, số lượng đề tài được nghiệm thu năm học trong 3 năm học gần đây có dấu hiệu giảm. Việc này có thể được giải thích rằng kế hoạch và định hướng phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên nhà Trường không được thực hiện đồng đều ở các năm học. Hơn nữa, việc phân bố đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên ở các Khoa không đồng đều theo từng năm học và sự thay đổi giữa các năm của từng Khoa cũng không đều. Thực trạng này cho thấy rằng sự quan tâm của các Khoa đến hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên là không giống nhau.
Trong số các đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai và nghiệm thu thành công, có rất nhiều đề tài đạt loại xuất sắc và đạt các giải cao tại các cuộc thi, giải thưởng nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Hơn nữa, nhiều đề tài được thực hiện xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sản xuất và đời sống tỉnh Tiền Giang và Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong đó, tiêu biểu có thể kể đến như là Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tiền Giang; Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Startup); Hội nghị Sinh viên NCKH toàn quốc các Trường Đại học Sư phạm và các trường đại học khối ngành Kinh tế và Quản trị kinh doanh; Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka; Cuộc thi khởi nghiệp - Startup Wheel và các giải thưởng nghiên cứu khoa học khác dành cho sinh viên. Trong đó có thể kể đến một số giải thưởng mà sinh viên đã xuất sắc giành được như sau:
Riêng đối với Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka, đây là giải thưởng cao quý dành cho những công trình nghiên cứu khoa học, sáng tạo của sinh viên trên toàn quốc, là thước đo về chất lượng đào tạo, góp phần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên, đồng thời là nguồn động viên, khuyến khích sinh viên tích cực đề ra những ý tưởng, giải pháp cụ thể, những phát minh mới, tham gia nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo và xây dựng phát triển đất nước. Trường Đại học Tiền Giang bắt đầu tham gia giải thưởng cao quý này từ năm 2018 đến nay, và đã giành được 3 giải khuyến khích vào năm 2018 và 2019. Đặc biệt vào năm 2020, sinh viên nhà Trường đã xuất sắc giành được 1 giải Nhất và 1 giải Nhì. Trong đó:
- Đề tài “Chọn tạo dòng lúa than thơm bằng phương pháp hồi giao kết hợp chỉ thị phân tử” do 2 sinh viên Nguyễn Minh Thông, Trần Phan Ngọc Tú, Khoa NN&CNTP thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của TS. Lê Hữu Hải và ThS. Nguyễn Thị Mai Hạnh đã giành giải nhất;
- Và, đề tài “Xây dựng quy trình chế biến trà thảo mộc tía tô” do 2 sinh viên Nguyễn Duy Khánh, Nguyễn Thị Ngọc Thắm, Khoa NN&CNTP thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của TS. Trương Quốc Tất đạt giải Nhì tại Cuộc thi giải thưởng sinh viên NCKH Eureka lần thứ 22.
Từ kết quả phân tích thực trạng hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Tiền Giang cho thấy hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên Trường Đại học Tiền Giang tuy có nhiều bước chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa xứng tầm với tiềm lực của sinh viên nhà Trường. Hơn nữa, họat động NCKH sinh viên phát triển chưa đồng đều qua các năm và chưa cân đối giữa các Khoa chuyên ngành. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển hoạt động NCKH sinh viên nhà Trường trong thời gian sắp tới.
- Đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý hoạt động NCKH theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính; xây dựng cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm cuối cùng để giúp giảm nhẹ thủ tục thanh quyết toán cho sinh viên.
- Xây dựng định hướng hoạt động nghiên cứu khoa học hằng năm trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và định hướng nghiên cứu của Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang.
- Đẩy mạnh công tác thông tin NCKH; đầu tư, phát triển các cơ sở dữ liệu NCKH và kết nối các CSDL lớn để sinh viên có điều kiện tiếp cận các công bố có uy tín và mang tính thời sự. Khuyến khích thương mại hóa sản phẩm NCKH và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
- Kịp thời để khen thưởng, vinh danh các cán bộ, giảng viên và sinh viên có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên.
- CBVC và các Khoa nên khuyến khích, động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất để các sinh viên tham gia NCKH bằng nhiều hình thức khác nhau.
- Tăng cường và phát huy tiềm lực NCKH, thu hút nhà khoa học có trình độ cao và quốc tế đến làm việc; hình thành nhóm nghiên cứu chuyên ngành, đa ngành để sinh viên có điều kiện làm việc trong môi trường khoa học chuyên nghiệp và học hỏi kinh nghiệm thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu.
- Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, trao đổi hướng dẫn các phương pháp nghiên cứu khoa học, cập nhật các phương pháp nghiên cứu mới nhằm khơi gợi tinh thần sáng tạo, nghiên cứu lĩnh vực mới, lĩnh vực khó cần thiết cho sự phát triển nguồn nhân lực, kinh tế xã hội của đất nước.
- Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học từ các giảng viên, sinh viên đã hoàn thành đề tài NCKH và có kinh nghiệm trong thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu để nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học trong sinh viên.
- Phát huy vai trò tiên phong của CLB Sinh viên TGU Nghiên cứu khoa học nhằm giúp sinh viên trao đổi tài liệu, hướng dẫn nghiên cứu khoa học và rèn luyện những kỹ năng mềm phục vụ cho hoạt động NCKH và học tập.
- Tích cực chủ động tiếp cận thông tin về định hướng nghiên cứu khoa học của Khoa, Trường và tỉnh Tiền Giang kết hợp với thực tế đời sống, sản xuất tại địa phương để đề xuất các đề tài vừa mang tính khoa học và vừa mang tính thực tiễn cao.
- Tham gia các lớp bồi dưỡng về phương pháp nghiên cứu khoa học và tích cực tham gia các diễn đàn, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thực thiện đề tài nghiên cứu khoa học để có thêm kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết.
Bài tham luận này đã tập trung phân tích thực trạng của hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên Trường Đại học Tiền Giang. Theo đó, hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên Trường Đại học Tiền Giang tuy có nhiều bước chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa xứng tầm với tiềm lực của sinh viên nhà Trường. Hơn nữa, họat động NCKH sinh viên phát triển chưa đồng đều qua các năm và chưa cân đối giữa các Khoa chuyên ngành. Trên cơ sở phân tích thực trạng, tác giả đã đề xuất các giải pháp nhằm góp nhần nâng cao về số lượng lẫn chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên trong thời gian sắp tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Phòng QLKHCN&HTQT, Trường Đại học Tiền Giang