.:Trường Đại học Tiền Giang:. 

Chia sẻ

Ngành Nuôi trồng thủy sản đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao

23-03-2022

Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới bên cạnh các cường quốc như: Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản... Ngành thủy sản hiện nay chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế và tạo ra nguồn thu nhập lớn, cũng như mang đến nhiều cơ hội việc làm. Nuôi trồng thủy sản là ngành học tiềm năng. Hầu hết sinh viên ra trường đều có công việc ổn định. Tuy nhiên, đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong ngành vẫn chưa cung ứng đủ với nhu cầu của xã hội.

Trong những năm gần đây, các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản đã và đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao và kỹ năng tốt. Hiện nay trên cả nước có rất nhiều trường đại học uy tín đã và đang đào tạo sinh viên chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Trong số những trường đào tạo đó không thể nào không nhắc đến Trường Đại học Tiền Giang. Chương trình đào tạo ngành Đại học Nuôi trồng thủy sản của Khoa Nông nghiệp – Công nghệ thực phẩm – Trường Đại học Tiền Giang bắt đầu từ năm 2012 với thời gian đào tạo 4 năm. Từ năm 2018 đến nay, chương trình đào tạo được cải tiến và giảng dạy trong trong thời gian 3,5 năm theo hướng ứng dụng thực tế, tăng thực hành – thực tập và kỹ năng nghề nghiệp. Vậy khi học tại trường Đại học Tiền Giang, sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản có những thuận lợi gì?

1. Chương trình học và nghiên cứu khoa học: Chương trình đào tạo ngành Nuôi trồng thủy sản của Khoa Nông nghiệp – Công nghệ thực phẩm – Trường Đại học Tiền Giang được xây dựng trên nền tảng nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ thông qua những hoạt động hội thảo đóng góp ý kiến của giảng viên, nhà tuyển dụng từ các công ty và doanh nghiệp, cựu sinh viên và sinh viên đang học để nâng cao chất lượng và đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong quá trình học, sinh viên luôn được thực hành, thực tập và kiến tập thực tế các mô hình sản xuất giống và nuôi thủy sản nước ngọt, lợ và mặn ở các công ty, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thủy sản. Qua đó, các bạn sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức và thành thạo các kỹ năng chuyên môn mà còn được học hỏi các kỹ năng mềm trong ứng xử và giao tiếp, học tập và làm việc trong môi trường năng động, chuyên nghiệp. Bên cạnh việc học tập, sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản có thể thỏa mãn niềm đam mê và sáng tạo qua các đề tài nghiên cứu khoa học. Đó là cơ hội rất tốt giúp các bạn sinh viên nắm vững kiến thức và vận dụng linh hoạt kiên thức đã học vào thực tiễn.  

Sinh viên Huỳnh Quốc Đặng và Phan Thanh Triều - sinh viên lớp Đại học Nuôi trồng thủy sản – Khóa 19 đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu sự ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường nước lên tỷ lệ giới tính ếch Thái Lan”.

Quốc Đặng cho biết: “Em rất đam mê nghiên cứu khoa học. khi thực hiện đề tài sẽ giúp em hiểu rõ hơn các kiến thức đã học, đặc biệt là đặc điểm của loài ếch Thái Lan. Kết quả nghiên cứu này sẽ giúp người nuôi chọn được khoảng nhiệt độ thích hợp nhất để ấp trứng ếch nhằm tăng tỷ lệ ếch cái trong quần đàn”.

2. Đội ngũ giảng viên: Đội ngũ giảng viên ở Trường có học vị cao được đào tạo, tập huấn trong và ngoài nước; luôn tận tậm trong giảng dạy và tạo mọi điều kiện tốt nhất để sinh viên trao dồi, nâng cao kiến thức chuyên môn về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn. Giảng viên luôn có các mối quan hệ, hợp tác rất tốt với những công ty, doanh nghiệp thủy sản lớn trong và ngoài tỉnh, từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn sinh viên dễ dàng tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản thông qua các hoạt động ngoại khóa như hội thảo, seminar chuyên đề về môi trường nước ao nuôi thủy sản, dinh dưỡng và bệnh trên động vật thủy sản,…; đặc biệt là được sự hỗ trợ nhiệt tình và quý báu về kinh phí của công ty, doanh nghiệp cho sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học.

3. Cơ sở vật chất và môi trường học tập: Sinh viên được học trong một môi trường năng động, chuyên nghiệp, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại như phòng máy tính, thí nghiệm chuyên sâu, trại thực nghiệm thủy sản để thực tập chuyên môn về kỹ thuật sản xuất giống và nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt, lợ và mặn. Các bạn sinh viên chủ động trong tìm kiếm tài liệu để học tập và nghiên cứu nhờ vào hệ thống thư viện hiện đại, có wifi và đầy đủ các nguồn tài liệu tham khảo chuyên ngành.

Cảm nhận của sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Trầm, quê ở tỉnh Bến Tre, hiện đang là sinh viên năm thứ 2 lớp Đại học Nuôi trồng thủy sản – Khóa 20:

Trường Đại học Tiền Giang là một trong những trường đại học công lập có đào tạo ngành Nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là mức học phí phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình em, gần nhà và chi phí sinh hoạt thấp. Trường có cơ sở vật chất hiện đại đáp đầy đủ cho sinh viên học tập và nghiên cứu; Thầy/Cô đều có chuyên môn giỏi, thân thiện và nhiệt huyết với nghề; có nhiều chính sách và học bổng khuyến khích học tập, đặc biệt là các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn”.

4. Cơ hội việc làm: Nhà trường thường xuyên liên kết rất nhiều với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh (Công ty TNHH Vibo, Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền, Công ty TNHH Tongwei, Công ty TNHH Tâm Việt, Công ty cổ phần Gò Đàng, Công ty thuốc thú y – thủy sản Sagophar, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ Nano hợp nhất APA, ...) để tổ chức hướng nghiệp và tuyển dụng các sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản.  Qua các khóa đào tạo đại học ngành Nuôi trồng thủy sản từ năm 2012 đến nay, hàng năm Trường Đại học Tiền Giang đã cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp 30 – 50 sinh viên. Hầu hết các sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản ra trường đều có việc làm; giữ nhiều vị trí quan trọng trong các công ty, doanh nghiệp thủy sản; hay tự chủ sản xuất, kinh doanh ở địa phương với thu nhập cao và ổn định (mức thu nhập trung bình khoảng 10 – 15 triệu đồng/tháng).

LÊ QUỐC PHONG