.:Trường Đại học Tiền Giang:. 

Chia sẻ

Ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử năm 1946

14-01-2022

Ngày 5/1/1946, trong Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “đây là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nhân dân ta bắt đầu được hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Ngày 6/1/1946, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trên phạm vi cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tại Hà Nội, 91,95% cử tri đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ; 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%). Trên phạm vi cả nước, tổng số cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ 89%; Tổng tuyển cử bầu được 333 đại biểu Quốc hội, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái, 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng; 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu dân tộc thiểu số.

Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I thắng lợi là mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước Việt Nam độc lập; mở ra một thời kỳ mới: đất nước có một Nhà nước đầy đủ danh nghĩa pháp lý đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại; là căn cứ khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của nước Việt Nam trên trường quốc tế. Quyết định tổ chức Tổng tuyển cử và lãnh đạo Tổng tuyển cử thành công thể hiện sự sáng suốt, kịp thời, nhạy bén chính trị của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi của Tổng tuyển cử khẳng định đường lối, chủ trương của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; thể hiện khát vọng độc lập, tự do của Nhân dân Việt Nam và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của Nhân dân ta.

Ngày 2/3/1946, tại kỳ họp thứ nhất diễn ra trong vòng 4 tiếng, Quốc hội khóa I nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện cho Chính phủ báo cáo những công việc đã làm trong thời gian trước đó; thông qua danh sách các thành viên Chính phủ liên hiệp kháng chiến; lập ra Cố vấn đoàn, Kháng chiến ủy viên hội; bầu Ban Thường trực Quốc hội; chấp nhận mở rộng thành phần Quốc hội thêm 70 đại biểu Việt Quốc, Việt Cách không qua bầu cử. Như vậy, tổng số đại biểu Quốc hội khóa I là 403 đại biểu. Tại kỳ họp thứ hai diễn ra từ 28/10 đến 9/11/1946, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp 1946.