23-02-2020
“Công nghệ thực phẩm là một trong những ngành được xếp hàng đầu trong một số nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực cho đến năm 2025, ngành Công nghệ thực phẩm dần dần đã định hình vị thế của mình trong đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hiện nay, nhu cầu nhân lực trình độ cao cho ngành này vẫn còn là một bài toán chung cho các công ty, nhà máy, trường học, viện nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực thực phẩm”, cô Lê Thị Kim Loan - Phó trưởng Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm cho biết.
Ngành Công nghệ Thực phẩm là gì?
Cô Lê Thị Kim Loan: Ngành ĐH Công nghệ thực phẩm (sinh viên học 3,5 năm) hiện tại thuộc Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm – Trường Đại học Tiền Giang. Ngành này chuyên về lĩnh vực bảo quản và chế biến nông, thủy hải sản; kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến thực phẩm; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vận hành dây chuyền sản xuất và bảo quản; Ứng dụng của Công nghệ thực phẩm rất đa dạng, vì tất cả những gì liên quan đến ăn, uống, an toàn thực phẩm đều có thể ứng dụng kiến thức ngành học này.
Ngành Công nghệ Thực phẩm đào tạo những gì?
Cô Lê Thị Kim Loan:
Chương trình đào tạo ngành Công nghệ Thực phẩm tại Trường Đại học Tiền Giang được xây dựng theo hướng ứng dụng. Sinh viên sẽ được tiếp cận những kỹ thuật tiên tiến ứng dụng trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.
Sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức nền tảng, chuyên sâu về hóa học, sinh học; vệ sinh an toàn thực phẩm; nguyên liệu chế biến và quy trình phân tích, đánh giá chất lượng thực phẩm; phương pháp chế biến thực phẩm,... nhằm đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm trong việc phục vụ nhu cầu ăn uống của cộng đồng. Bên cạnh đó, sinh viên được thường xuyên thực hành trong phòng thí nghiệm, do đó, sinh viên có kỹ năng thực hành rất tốt. Sinh viên tự phân tích, đánh giá được chất thực phẩm và thực hiện được các quy trình công nghệ chế biến, sản xuất, bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, trong quá trình học, sinh viên sẽ được học chuyên sâu về công nghệ chế biến thịt cá, bảo quản và chế biến rau quả, bảo quản và chế biến lương thực, công nghệ chế biến sữa và chất béo thực phẩm, công nghệ chế biến đường và đồ uống, công nghệ sản xuất bánh, kẹo, vi sinh thực phẩm, phân tích sản phẩm thực phẩm…
Trong quá trình theo học, sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm sẽ được thực tập, thực tế tại các công ty, nhà máy sản xuất thực phẩm quy mô lớn trên địa bàn TP. HCM và các tỉnh lân cận để rèn luyện kỹ năng tay nghề. Đặc biệt, Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm – Trường Đại học Tiền Giang còn hệ thống phòng thực hành, thí nghiệm hiện đại tạo điều kiện cho sinh viên thực hành, nghiên cứu và phát triển những sản phẩm mới.
Định hướng đào tạo (chuẩn đầu ra) của ngành Công nghệ Thực phẩm?
Cô Lê Thị Kim Loan: Sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên tốt nghiệp có kiến thức, kỹ năng và phẩm chất:
- Kiến thức và lập luận ngành: Có kiến thức về bảo quản và chế biến thực phẩm và ứng dụng tốt các kiến thức này trong quá trình làm việc tại các cơ sở sản xuất thực phẩm.
- Kỹ năng, phẩm chất cá nhân và nghề nghiệp: Có phẩm chất đạo đức tốt, thái độ hành xử chuyên nghiệp; Có khả năng nghiên cứu và khám phá kiến thức mới; Có kỹ năng ước lượng và phân tích vấn đề một cách hiệu quả trong quá trình làm việc; Luôn cập nhật kiến thức, hướng tới học tập suốt đời.
- Kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp: Có kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm tốt, có khả năng trình bày hoặc thuyết trình ý tưởng và công việc của mình ở mức độ vận dụng và phân tích.
- Năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thực hành nghề nghiệp: Am hiểu bối cảnh xã hội và bối cảnh tổ chức của công ty chế biến thực phẩm, có khả năng đề xuất và hình thành ý tưởng mới trong phát triển thực phẩm. Hoặc từ các kiến thức đã được trang bị, người học có thể quản lý, kiểm tra đề xuất các nguyên vật liệu, thiết bị phù hợp cho một quy trình sản xuất hoặc có thể chỉnh sửa đề xuất, cải tiến một công đoạn hoặc quy trình sản xuất thực phẩm mới.
Cơ hội việc làm ngành Công nghệ thực phẩm?
Cô Lê Thị Kim Loan:
- Quản lý một hoặc nhiều khâu trong dây chuyền sản xuất ở công ty, nhà máy chế biến thực phẩm;
- Kỹ thuật viên trong phòng kiểm nghiệm, các cơ quan kiểm định, đánh giá chất lượng thực phẩm, nhân viên trong viện nghiên cứu;
- Có khả năng giảng dạy ở các cơ quan nghiên cứu, cơ sở giáo dục trong lĩnh vực Công nghệ thực phẩm.
Những tố chất cần phù hợp với ngành Công nghệ thực phẩm?
Cô Lê Thị Kim Loan: Để làm việc trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, người lao động cần phải có bằng cử nhân hoặc kỹ sư công nghệ thực phẩm. Do đó, các bạn sinh viền cần có những tố chất cần thiết như: Quan tâm đến lĩnh vực thực phẩm, dịch vụ ăn uống; Nhạy bén trong việc nắm bắt tâm lý khách hàng, nhu cầu sử dụng của họ; Có tư duy sáng tạo, phân tích; Làm việc trong phòng lab, nghiên cứu; Làm việc cẩn thận, tỉ mỉ, trách nhiệm cao…
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Nói đến ngành Công nghệ thực phẩm người ta thường nhận định đây là ngành học ứng dụng mang tính thực tiễn cao. Nếu bạn yêu thích đam mê đến lĩnh vực thực phẩm, dịch vụ ăn uống, hãy liên lạc với Văn phòng Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm: B.422 – Cơ sở Thân Cửu Nghĩa; Điện thoại: 02733855351 hay 0918 818 202; Email: knncntp@tgu.edu.vn; Website: http://tgu.edu.vn/dept/?22
VĨNH SƠN