15-09-2015
UBND TỈNH TIỀN GIANG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TIỀN GIANG |
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tiền Giang, ngày 27 tháng 9 năm 2013 |
CHUẨN ĐẦU RA TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC
NGÀNH KHOA HỌC CÂY TRỒNG
1. Tên ngành đào tạo: Khoa học cây trồng (Crop Science)
2. Trình độ đào tạo: Đại học
3. Yêu cầu về kiến thức
- Vận dụng được các nguyên tắc cơ bản trong thống kê, xử lý số liệu, các nguyên tắc trong di truyền học và chọn giống cây trồng;
- Xác định được các vấn đề về khí hậu, đất đai, phân bón, sâu bệnh hại, cây trồng, bảo quản chế biến nông sản, từ đó giải thích được khuynh hướng, các mức độ ưu tiên trong thực tế để xây dựng kế hoạch sản xuất nông sản;
- Áp dụng kiến thức cơ sở và chuyên ngành khoa học cây trồng vào hoạt động nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp như: chọn và nhân giống cây trồng thích nghi với điều kiện sản xuất của địa phương và cho năng suất cao; canh tác cây trồng đạt năng suất - chất lượng cao; sử dụng nguồn nước và đất hiệu quả; có khả năng quy hoạch và phát triển ngành trồng trọt theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu;
- Đạt trình độ Tiếng Anh tương đương TOEIC 350 điểm, trình độ B Tin học;
- Nắm vững kiến thức giáo dục đại cương theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm các nguyên lí cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối cách mạng của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng.
4. Yêu cầu về kỹ năng
- Kỹ năng cứng
+ Thực hiện được các kỹ thuật nhân giống và chọn giống cây trồng;
+ Thực hiện và cải tiến các kỹ thuật canh tác cây lúa, cây rau, cây ăn quả và cây công nghiệp phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng thực tế;
+ Có khả năng phòng trị, phát hiện và quản lý tốt dịch hại trên cây trồng hiệu quả và an toàn cho môi trường;
+ Có khả năng quản lý, điều hành, kiểm soát thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) theo tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới;
+ Có khả năng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và phát triển mạng lưới khuyến nông;
+ Có khả năng điều hành trang trại nông nghiệp;
+ Có khả năng tham gia nghiên cứu và viết báo cáo khoa học.
- Kỹ năng mềm
+ Có khả năng thuyết trình, giao tiếp tốt, ứng xử nhanh;
+ Biết làm việc theo nhóm, tập hợp nhóm;
+ Thể hiện sáng tạo trong giải quyết công việc.
5. Yêu cầu về thái độ
- Ý thức trách nhiệm công dân, có thái độ và đạo đức nghề nghiệp đúng đắn, có ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp;
- Có lòng yêu nghề, nhận định được tầm quan trọng của nghề và tinh thần học tập không ngừng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;
- Có thái độ tự hoàn thiện bản thân mình, tự học, tự nâng cao.
6. Vị trí làm việc của người học sau khi tốt nghiệp
- Quản lý trang trại cây ăn trái, rau màu, cây lúa và cây công nghiệp;
- Chuyên viên ở các cơ sở quản lý về nông nghiệp như Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ;
- Chuyên viên trong phòng kiểm nghiệm ở các cơ quan kiểm định, đánh giá chất lượng nguồn đất, nước, đặc tính cây trồng;
- Nhân viên trong các công ty sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản xuất giống cây trồng, bảo quản sau thu hoạch;
- Giảng dạy ở các cơ sở giáo dục trong lĩnh vực khoa học cây trồng.
7. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường
Có năng lực tự học, tự nghiên cứu và khả năng học lên cao học, nghiên cứu sinh thuộc chương trình đào tạo các ngành Khoa học Cây trồng, Bảo vệ Thực vật, Công nghệ Sinh học, Nông nghiệp sạch, Khoa học đất, Hoa viên cây cảnh, Nông học.
8. Các chương trình, tài liệu, chuẩn quốc tế nhà trường tham khảo
Chương trình được xây dựng trên cơ sở tham khảo từ:
- Chương trình khung hệ đại học ngành khoa học cây trồng của BGD&ĐT (09/2011/TT-BGDĐT).
- Chương trình đại học Khoa học cây trồng của Đại học Cần Thơ, Đại học Nông Lâm TpHCM và Đại học Nông nghiệp Hà nội.
Q. HIỆU TRƯỞNG
(Đã ký)
Phan Văn Nhẫn