28-02-2023
Ngày 23/02/2023, Hội Sinh viên Trường Đại học Tiền Giang tổ chức hành trình về với Bảo tàng Tiền Giang tìm hiểu văn hóa dân tộc cho hơn 50 hội viên, sinh viên của Nhà trường, với sự hướng dẫn, thuyết minh của thầy Võ Văn Sơn (Giảng viên Bộ môn Khoa học xã hội). Qua hơn 2 giờ nghiên cứu, các bạn hội viên, sinh viên đã hiểu hơn về văn hóa, lịch sử của dân tộc, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người trí thức trẻ trong thời đại mới.
Bảo tàng tỉnh Tiền Giang được thành lập năm 1980, tọa lạc ngay trung tâm TP. Mỹ Tho, là nơi nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày giới thiệu giá trị của di sản văn hóa địa phương và dân tộc. Với khuôn viên thoáng mát, cạnh bờ sông Bảo Định, Bảo tàng có nhiều khu trưng bày các hình ảnh, hiện vật về các nền văn hóa cổ, các cuộc kháng chiến, văn minh miệt vườn và văn hóa phi vật thể. Đến với Bảo tàng tỉnh Tiền Giang, sinh viên sẽ có cái nhìn khái quát về quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Tiền Giang, về tính cách và sinh hoạt của người Tiền Giang.
Bảo tàng tỉnh Tiền Giang hiện đang lưu giữ trên 37.000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu về địa phương Tiền Giang, trong đó đặc biệt là bộ sưu tập những hiện vật có giá trị như: Tiền cổ, đồ gia dụng bằng đồng và hình ảnh, hiện vật thời kháng chiến.
Bảo tàng được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp, chia làm hai nhà trưng bày. Nhà trưng bày số 1 thể hiện lịch sử xã hội của tỉnh trước khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Phần này nhấn mạnh các sự kiện tiêu biểu như văn hóa Óc Eo thế kỷ 4 - 8, trận Rạch Gầm - Xoài Mút tháng 01/1785, cuộc khởi nghĩa của các sĩ phu yêu nước nửa sau thế kỷ 19 như Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, "Bốn Ông" ở Cai Lậy... cùng những hiện vật gốm sứ, đồ gia dụng thế kỷ 19 - 20 thể hiện hoàn cảnh lịch sử của địa phương thời điểm đó. Nhà trưng bày số 2 trưng bày hình ảnh, hiện vật thể hiện hai cuộc kháng chiến trường kỳ của quân dân tỉnh Mỹ Tho - Gò Công dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra còn trưng bày hình ảnh về "Chương trình Ngọt hóa Gò Công" được đầu tư hàng trăm tỉ đồng ngăn mặn dẫn ngọt cho vùng Gò Công và một phần Chợ Gạo.
Tính về hiện vật, Bảo tàng Tiền Giang hiện đang lưu giữ 36.884 tài liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Bước đầu kiểm kê và phân loại được 8 bộ sưu tập. Bộ sưu tập Văn hóa Óc Eo có 343 hiện vật, sưu tầm từ những đợt khai quật tại di chỉ khảo cổ Óc Eo - Gò Thành (Chợ Gạo) và trong các lần khảo sát điền dã trong tỉnh Tiền Giang, trong đó có 6 tượng đá, 110 hiện vật bằng vàng, 227 hiện vật bằng gốm từ thế kỷ 4 - 8.
Bộ sưu tập vũ khí Tây Sơn có 87 hiện vật gồm gươm, kiếm, mũi giáo, mũi tên đồng, đạn, súng thần công… được sưu tầm tại khu vực nơi xảy ra trận đánh Rạch Gầm - Xoài Mút. Bộ sưu tập súng Thần công của thế kỷ 18 - 19 gồm 11 khẩu đúc bằng gang pha sắt kích cỡ khác nhau. Bộ sưu tập đèn gốm gồm 36 hiện vật làm bằng đất nung, gốm sứ theo nhiều kiểu dáng phong phú khác nhau, dùng để đốt dầu mù u, dầu cá thắp sáng cho các gia đình trong thời kỳ phong kiến.
Bộ sưu tập bàn ủi có 52 hiện vật, kích thước, kiểu dáng, hoa văn khác nhau, chủ yếu được làm bằng đồng, dùng ủi quần áo hoặc tiền giấy. Bộ sưu tập tiền kim loại và giấy có 2.288 hiện vật, sản xuất và lưu hành qua các thời kỳ lịch sử khác nhau như tiền giấy và kẽm của Ngân hàng Đông Dương, tiền Cụ Hồ, tiền của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam... Ngoài ra, còn có 51kg tiền kẽm thời Quang Trung, Cảnh Thịnh, Gia Long, Minh Mạng thế kỷ 18 - 19.
Bộ sưu tập kỷ vật nhà tù có 103 hiện vật gồm áo gối, khăn tay, màn cửa, túi xách được may, thêu tay trên vải hay bình trà, giỏ ăn trầu, bàn cờ tướng, tẩu hút thuốc bằng chất liệu sợi nilon, gỗ, đá, vỏ sò. Bộ sưu tập đồ gia dụng người Hoa có 46 hiện vật gồm nhiều thể loại và chất liệu khác nhau như chậu, quả (tráp gỗ), bàn tính, tủ bán hủ tiếu, bàn cân, trang phục.
VĨNH SƠN