.:Trường Đại học Tiền Giang:. 

Chia sẻ

Sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản với học phần Thực tập giáo trình thủy sản nước ngọt và nước lợ (mặn)

06-02-2023

Nhằm củng cố kiến thức đã học đồng thời học hỏi thêm các kinh nghiệm từ thực tế sản xuất giống và nuôi thuỷ sản nước ngọt, nước lợ (mặn) giúp cho sinh viên rèn luyện tay nghề có thể vận hành được các trang thiết bị, nắm rõ được quy trình trong trại sản xuất giống hay trại nuôi cá (tôm) thương phẩm, Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm đã tổ chức giảng dạy học phần Thực tập giáo trình thủy sản nước ngọt (MHP:77364) và Thực tập giáo trình thủy sản nước lợ (MHP:77384)  cho sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản.

Trong quá trình Thực tập giáo trình thủy sản nước ngọt, sinh viên sẽ được chia theo nhóm (5 – 6 sinh viên/nhóm) và được thầy cô Bộ môn thủy sản gửi đến các trại sản xuất giống hoặc Farm nuôi trong và ngoài tỉnh. Tại đây, sinh viên được học hỏi và tìm hiểu thêm nhiều kiến thức thực tế từ trại như: cách quản lý chất lượng nước, phương pháp cho ăn, quản lý dịch bệnh trên đối tượng nuôi. Sau đó, các bạn sẽ ghi nhận lại số liệu về môi trường, tăng trưởng, tỉ lệ sống… để viết và trình bày báo cáo sau khi kết thúc đợt thực tập.

Trang trại nuôi ếch Thái Lan thương phẩm của Đại lý thuốc - Thức ăn thủy sản Tám Bằng nơi có các bạn sinh viên đến thực tập.

 Nhóm sinh viên ĐH Nuôi trồng thủy sản 20 tặng quà cám ơn sau khi kết thúc đợt thực tập tại Đại lý thuốc - Thức ăn thủy sản Tám Bằng.

 

Trại thực nghiệm và dịch vụ nông nghiệp Tân Thành

.

 Sinh viên lớp ĐH Nuôi trồng thủy sản 19 đang kiểm tra độ mặn và nhiệt độ của bể ương ốc hương tại Trại thực nghiệm và dịch vụ nông nghiệp Tân Thành.

Cũng tương tự Thực tập giáo trình thủy sản nước ngọt, học phần Thực tập giáo trình thủy sản nước lợ (mặn) sinh viên có thời gian thực tập khoảng 2 tháng. Ngoài các trại sản xuất giống, Farm nuôi tư nhân, Trường cũng đã liên hệ và gửi sinh viên đến các viện, trung tâm giống của cơ quan nhà nước để sinh viên có thể tiếp cận những thí nghiệm trên các đối tượng thủy sản mới, định hướng cho các bạn làm công tác nghiên cứu sau này. Ngoài ra, thông qua các đợt thực tập này, sinh viên có thể chủ động trong việc phân công việc của nhóm, tạo mối quan hệ gắn bó trong quá trình thực tập và có thêm nhiều kiến thức thực tế về cách vận hành của một trại sản xuất giống điển hình, có thể tự nuôi, tự chăm sóc một đối tượng thủy sản thực tế.

Sau mỗi đợt thực tập, Bộ môn Nuôi trồng thủy sản và Khoa học môi trường sẽ tổ chức cho các bạn sinh viên báo cáo kết quả thực tập. Ngoài phần trình bày về quá trình thực tập, sinh viên sẽ trả lời các câu hỏi liên quan mà hội đồng đưa ra. Từ đó, giúp các bạn đúc kết được kinh nghiệm, làm hành trang sau khi tốt nghiệp đại học.

 LÂM QUANG HUY

Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm