.:Trường Đại học Tiền Giang:. 


Tag

;

Chia sẻ

Công đoàn Trường Đại học Tiền Giang tổ chức về nguồn tại Trà Vinh

25-10-2022

Hướng đến kỷ niệm 112 năm Quốc tế Phụ nữ 8/3 (8/3/1910 - 8/3/2022) và 1982 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày 22/10/2022, Ban chấp hành công đoàn Trường Đại học Tiền Giang tổ chức cho các nữ viên chức trường về nguồn tại tỉnh Trà Vinh. Lần lượt, hơn 60 nữ công đoàn viên đến tham quan: Biển Ba Động, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Âng, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh, ao Bà Om (Ao Vuông).

 

Đền thờ Bác Hồ đã trở thành niềm tự hào, là biểu trưng của tấm lòng người dân Trà Vinh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân địa phương vẫn quen gọi là Đền thờ Bác Hồ, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng khái quát thành biểu tượng “Công trình của Trái tim” bởi ý nghĩa thiêng liêng của việc hình thành, quá trình chiến đấu bảo vệ ngoan cường và giá trị tinh thần của ngôi đền trong đời sống tinh thần của Đảng bộ, quân dân tỉnh Trà Vinh. Ngôi đền tọa lạc tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, cách trung tâm tỉnh lỵ Trà Vinh hơn 4 km về phía bắc. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Trà Vinh đã được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989. Khu di tích đền thờ Bác Hồ rộng 5,4 ha với các hạng mục chính như: Đền thờ Bác Hồ, nhà trưng bày thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, khuôn viên cây xanh, ao cá, khu vui chơi cắm trại…và đặc biệt là mô hình Nhà sàn Bác Hồ được thiết kế, in sao và lắp khoa học với tỉ lệ 97% theo nguyên bản nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ở thủ đô Hà Nội.

 Chùa Âng là niềm tự hào của đồng bào Khmer nói riêng, của cộng đồng các dân tộc Trà Vinh nói chung

Tiếp tục, đoàn tới thăm chùa Âng, gọi theo ngôn ngữ Paly là Wat Angkor Raig Borei, tọa lạc tại Phường 8, thành phố Trà Vinh. Ngôi chùa nằm trong cụm danh thắng Ao Bà Om và bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer, là điểm nhấn nổi bật không thể bỏ qua trong bản đồ du lịch Trà Vinh. Theo sử sách, chùa Âng được xây dựng vào thế kỷ thứ 10 (năm 990) và được xây dựng qui mô như hiện nay vào năm Thiệu Trị thứ 3, tức năm 1842 theo dương lịch. Từ đó đến nay, ngôi chùa được trùng tu, sửa chữa nhiều lần, trong đó xây dựng mới các công trình phụ như nhà tăng xá, trai đường… nhưng ngôi chánh điện cơ bản vẫn giữ được nguyên trạng như buổi đầu.

Ao Bà Om gắn với nhiều truyền thuyết huyền thoại của người Khmer Nam Bộ

Tiếp tục, đoàn tới thăm ao Bà Om (Ao Vuông). Theo truyền thuyết ngày trước, vùng đất Trà Vinh hằng năm cứ đến mùa hạn thì nước ngọt khan hiếm, ruộng rẫy khô cằn, cây cỏ chết héo, người dân trong vùng vì hạn hán rơi vào cảnh lầm than. Để cứu dân khỏi cảnh khốn cùng, một ông hoàng trấn nhậm trong vùng quy tụ bà con đào ao tìm nguồn nước. Tình cờ, trong vùng lúc đó cũng xảy ra một vụ tranh cãi khó phân xử là đàn ông và đàn bà, ai phải đi cưới ai và ai phải chịu mọi phí tổn trong lễ cưới? Ông hoàng nhân dịp này chia ra hai bên nam nữ tổ chức một cuộc thi đào ao. Ao bên nào đào sâu hơn, lớn hơn và xong trước thì thắng, bên thua sẽ phải đi cưới. Bên nam thì đào ao tròn ở phía Tây còn bên nữ đào ao vuông ở phía Đông. Bên nữ do bà Om, một phụ nữ Khmer chỉ huy, thấy không thể kình được sức đàn ông nên bên nữ dùng “kế”: Họ vừa đào vừa ca múa để các chàng bỏ việc mà chạy sang xem. Nửa đêm, bà Om cho chặt một cây tre thật dài, treo ngọn đèn lồng rồi đem cắm ở hướng Đông. Theo giao hẹn là khi sao Mai mọc là phải ngừng công việc, khi bên nam thấy ngọn đèn tưởng là sao Mai nên họ rủ nhau về nghỉ. Trong lúc đó bên nữ đào đến sáng và xong việc trước. Bên nam thua cuộc trong sự “tâm phục, khẩu phục”. Để nhớ ơn người phụ nữ mưu trí, người ta lấy tên bà đặt tên ao, từ đó ao phụ nữ đào được gọi là ao Bà Om. Và truyền thống nam đi cưới nữ, con phải lấy họ mẹ trong dân tộc Khmer cũng bắt đầu từ đây. Mãi đến sau này khi người Pháp cai trị nước ta thì con mới lấy theo họ cha.

Baotang

Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh tọa lạc tại phường 8, thành phố Trà Vinh, cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 5km về hướng tây nam, nằm trong quần thể khu văn hóa – du lịch, liên hoàn với di tích danh thắng Ao Bà Om, di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Âng và Trung tâm Văn hóa – Thể thao tỉnh, rất thuận tiện cho học sinh sinh viên, người nghiên cứu văn hóa dân tộc và khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu. Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh là một khối nhà hai tầng, có diện tích sử dụng hơn 1.700 m2, được thiết kế xây dựng trên cơ sở kết hợp hài hòa phong cách kiến trúc truyền thống dân tộc Khmer và hiện đại trong khuôn viên rộng 01 ha, có nhiều cây xanh rợp mát quanh năm. Bảo tàng hiện đang lưu giữ, trưng bày, giới thiệu hơn 800 hiện vật, hình ảnh, tài liệu phản ánh đời sống văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Khmer Trà Vinh, từ truyền thống đến đương đại.

Cách trung tâm thành phố Trà Vinh chừng 60km, bãi biển Ba Động (thị xã Duyên Hải) thơ mộng đã được người Pháp khám phá, cho xây dựng thành nơi tắm biển, nghỉ dưỡng từ những năm đầu thế kỷ XX và đặt tên là Biển Nhà Mát. Từ Ba Động, du khách có thể tham quan nhiều địa danh nổi tiếng khác như nhà thờ Giồng Rùm, nhà thờ Phước Hảo. Đặc biệt nay, biển Ba Động có thêm công trình Điện Gió Hàn Quốc. Với cây cầu màu vàng nổi bật và 12 tua-bin gió góp thêm cảnh quan đẹp cho biển Ba Động khiến nơi đây trở thành địa điểm sống ảo hot nhất Trà Vinh. Từ Ba Động, du khách có thể  tìm hiểu bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa của vùng đất ven biển Trường Long Hòa, Duyên Hải, Trà Vinh và thưởng thức các sản phẩm đặc trưng của các làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời như Làng Đáy biển Động Cao, Làng Muối Cồn Cù, Làng Dưa hấu Ba Động…

VĨNH SƠN

 

Công đoàn