.:Trường Đại học Tiền Giang:. 

Chia sẻ

Trường Đại học Tiền Giang có 4 đề tài tham gia Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka 2021

27-09-2021

Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học - Euréka là Giải thưởng cao quý dành cho những công trình nghiên cứu khoa học, sáng tạo của sinh viên trên toàn quốc. Giải thưởng là thước đo về chất lượng đào tạo, góp phần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên. Nguồn động viên, khuyến khích sinh viên tích cực đề ra những ý tưởng, giải pháp cụ thể, những phát minh mới, tham gia nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo và xây dựng phát triển đất nước.

Theo đồng chí Lê Tiến Dũng, Bí thư Đoàn trường Đại học Tiền Giang: “Đối tượng của Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học - Euréka là sinh viên có đề tài, công trình nghiên cứu khoa học, đang học tập tại các trường Đại học, Cao đẳng và học viện trên toàn quốc. Mỗi cá nhân hoặc tập thể có thể đăng ký tham gia một hoặc nhiều công trình”.

Giải thưởng dành cho những đề tài/công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên. Với đa dạng các nhóm lĩnh vực: Công nghệ Hóa – Dược; Công nghệ Sinh – Y sinh; Công nghệ thông tin; Công nghệ Thực phẩm; Giáo dục; Hành chính –  Pháp lý; Kinh tế; Kỹ thuật Công nghệ; Nông Lâm Ngư nghiệp; Quy hoạch, Kiến trúc và Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Xã hội và Nhân văn. Theo đó, đề tài/công trình gửi tham gia dự thi phải có tính mới, tính sáng tạo và đảm bảo tính khoa học.

Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học - Euréka năm 2021 có 3 vòng. Vòng sơ tuyển, các trường thực hiện trước khi chuyển về Ban tổ chức. Vòng bán kết, Ban tổ chức Giải thưởng thành lập hội đồng khoa học theo từng chuyên ngành và lĩnh vực, chấm điểm, chọn các đề tài vào vòng chung kết. Tại vòng chung kết, Ban tổ chức thành lập hội đồng khoa học chấm giải; phối hợp với các trường tổ chức vòng chung kết xếp hạng. Tại vòng chung kết xếp hạng các tác giả sẽ trình bày kết quả nghiên cứu trước hội đồng khoa học theo từng lĩnh vực và chuyên ngành, hội đồng khoa học sẽ chất vấn và chấm điểm và trao giải.

Tất cả tác giả và người hướng dẫn của các công trình nghiên cứu khoa học tham gia Giải thưởng sẽ được cấp Giấy chứng nhận tham dự Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka lần thứ 23 năm 2021. Đối với các cá nhân là người hướng dẫn của các công trình nghiên cứu đạt giải Đặc biệt và giải Nhất sẽ được tặng Giấy khen của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; người hướng dẫn của các công trình nghiên cứu đạt giải Nhì và giải Ba sẽ được tặng Bằng khen của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Giá trị Giải thưởng cho các đề tài đoạt giải: Giải Đặc biệt trị giá: 20.000.000 đồng/giải và Bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ, Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn. Ở mỗi lĩnh vực dự thi sẽ có cơ cấu và mức giải thưởng là: 01 giải Nhất: 10.000.000 đồng/giải và Bằng khen Bộ Khoa học và Công nghệ, Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn; 01 giải Nhì: 5.000.000 đồng/giải và Bằng khen Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh; 01 giải Ba: 3.000.000 đồng/giải và Bằng khen Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Các giải Khuyến khích: 2.000.000 đồng/giải và Bằng khen Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2021, Đoàn trường Đại học Tiền Giang có  4 đề tài tham gia Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka:

1. Công nghệ chế biến thực phẩm - đồ uống: “Nghiên cứu quy trình chế biến trà thảo mộc túi lọc và bột sấy phun giàu hợp chất polyphenol từ cây rau càng cua (Peperomia pellucida L.)” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Phương Trang, Nguyễn Thị Ngọc Thắm, Ngành Đại học Công nghệ Sinh học 17 (TS. Nguyễn Quốc Tất hướng dẫn). Theo đó, cây rau càng cua (Peperomia pellucida L.) thu trong các vườn thanh long ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang lúc ra hoa hoàn toàn được sấy khô ở 70℃ đến đạt độ ẩm ≤10% và được phối trộn với trà xanh, cỏ ngọt, lá dứa theo tỷ lệ 60 : 25 : 10 : 5 (%) cho sản phẩm trà túi lọc có điểm cảm quan tốt với 16,83 điểm (loại khá), chứa 10,71 (mgGAE/g DM) và khử 65,55% gốc tự do DPPH. Đồng thời, bột sấy phun từ dịch trích thu được ở điều kiện tối ưu bằng nước (tỷ lệ bột cây rau càng cua/dung môi 1/51,11 w/v ở 66,89°C trong 122,73 phút) rất mịn, tơi, dễ hòa tan, dịch pha loãng bột rau càng cua đạt 16,17 điểm cảm quan (loại khá), chứa 7,68 (mgGAE/g DM). Cả 2 sản phẩm đều đạt các tiêu chuẩn chất lượng theo TCVN.

2. Công nghệ Sinh học: “Thiết lập quy trình trích ly hợp chất polyphenol từ vỏ chuối (Musa spp.)” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Thắm, Ngành Đại học Công nghệ Sinh học 17 (TS. Nguyễn Quốc Tất hướng dẫn). Theo đó, từ vỏ của 4 giống chuối (chuối cau, chuối già, chuối xiêm và chuối sáp) ở 3 độ chín (I, III và IV theo thang màu 8 độ chín của vỏ chuối) nghiên cứu đã xác định vỏ chuối già (Musa acuminata) ở độ chín III – vỏ màu xanh ngả vàng là nguyên liệu phù hợp để trích ly hợp chất polyphenol (TPP). Điều kiện trích ly hợp chất TPP từ vỏ chuối già bằng ethanol đã được xác định bằng phương pháp bề mặt đáp ứng RSM (Response surface methodology) theo mô hình Box-Behnken với kết quả là tỷ lệ bột vỏ chuối già/dung môi ethanol 1/60,30 (w/v); nồng độ ethanol 60,51%, nhiệt độ 60,30℃ và thời gian 92,12 (phút). Khi đó dịch trích chứa đa dạng các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học với 21,24 (mgGAE/g DM) và khử 92,14% gốc tự do DPPH.

3. Xây dựng: “Vật liệu xanh từ nhà máy nhiệt điện”của tác giả  Bùi Ngọc Long, ngành Kỹ thuật Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp 17 (TS. Cao Nguyên Thi hướng dẫn). Theo đó, nghiên cứu này sử dụng tro bay làm nguyên liệu thay thế xi măng Portland truyền thống để xác định cường độ chịu nén, chịu uốn của vữa geopolymer qua ảnh hưởng của các tỉ lệ SiO2/Na2O, tỷ lệ SiO2/Al2O3, tỉ lệ H2O/tro bay và ảnh hưởng của thời gian dưỡng hộ ảnh hưởng đến cường độ của vữa geopolymer, đồng thời đề xuất được các cấp phối tối ưu để sản phẩm đạt cường độ cao nhất.

4. Nông nghiệp: “Phân lập, tuyển chọn vi khuẩn phân giải cellulose từ hệ tiêu hóa của côn trùng và bã thực vật hoai mục để ứng dụng vào ủ phân hữu cơ vi sinh vỏ quả sầu riêng” của nhóm tác giả Võ Thị Thu Ngân và Nguyễn Thị Huỳnh Như, Ngành Đại học Công nghệ Sinh học 17 (TS. Nguyễn Quốc Tất hướng dẫn). Theo đó, Từ ruột sùng đất và mối cùng với bã mía và vỏ sầu riêng ủ, chín mươi dòng vi khuẩn có khả năng phân giải cellulose đã được phân lập. Có 68/90 dòng có khả năng sinh cellulase ngoại bào làm phân giải CMC tạo những vòng halo với ΔD dao động 11,73 - 44 mm sau 48 giờ ủ. Mười ba dòng có hoạt tính endoglucanase tốt nhất đã phân giải tốt bột vỏ sầu riêng với phần trăm cơ chất hao hụt sau 10 ngày nuôi lắc dao động 31,25 - 61,29%. Năm dòng tiềm năng nhất được định danh lần lượt là B. velezensis SR14.1, B. subtilis CM2.1, B. subtilis BM14.1, B. subtilis BM14.4 và B. velezensis BM7.7.  Từ các kết quả cho thấy tiềm năng sử dụng các dòng vi khuẩn bản địa để sản xuất chế phẩm vi sinh dùng vào quá trình sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm vỏ sầu riêng.

VĨNH SƠN

 

Đoàn thanh niên