.:Trường Đại học Tiền Giang:. 


Tag

NCKH;

Chia sẻ

Thú vị với đề tài nghiên cứu khoa học “Tuyển chọn và nhân giống vô tính cây bơ (Persea americana Mill) trồng bằng hạt, hoa tự thụ, cho trái ổn định và phẩm chất trái ngon trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”

06-08-2019

Sáng ngày 5/4/2019, Hội đồng khoa học và đào tạo của Trường Đại học Tiền Giang đã tiến hành nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học  “Tuyển chọn và nhân giống vô tính cây bơ (Persea americana Mill) trồng bằng hạt, hoa tự thụ, cho trái ổn định và phẩm chất trái ngon trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” của sinh viên Nguyễn Tiến Thủ và Nguyễn Văn Ân (Lớp Đại học Khoa học cây trồng 15, Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm) dưới sự hướng dẫn của TS. Lê Hữu Hải (Phó Hiệu trưởng nhà trường).

Hội đồng nghiệm thu gồm: TS. Đoàn Thị Ngọc Thanh (Phó Trưởng Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm), TS. Nguyễn Trịnh Nhất Hằng, ThS. Đoàn Lê Vinh, ThS. Huỳnh Thị Huế Trang (Giảng viên Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm) và TS. Trần Thanh Phong (Giảng viên Quản lý khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế).

Được biết, thời gian thực hiện đề tài từ tháng 4/2018 – 3/2019 tại huyện Chợ Gạo và huyện Cai Lậy. Mục tiêu đề tài là tuyển chọn được ít nhất 03 cây bơ trồng bằng hạt, hoa tự thụ, cho trái ổn định và phẩm chất trái ngon đang trồng tại tỉnh Tiền Giang để lấy chồi ghép nhân giống vô tính bằng cách ghép nêm ngọn. Mỗi cây bơ được tuyển chọn sẽ lấy chồi ghép nhân giống vô tính khoảng 20 cây bơ bằng biện pháp ghép nêm ngọn.

Tính mới và sáng tạo: Tuyển chọn các cây bơ có khả năng tự thụ phấn (self pollination) trồng một cây duy nhất (single tree) vẫn có thể cho trái ổn định, năng suất cao, chất lượng tốt và thích ứng tốt với điều kiện sinh thái tại địa bàn tỉnh Tiền Giang. Các cây bơ này được chọn làm cây “đầu dòng” cung cấp chồi ghép để sản xuất cây bơ ghép nhằm đảm bảo cho trái có phẩm chất như các cây “đầu dòng” và thích nghi tốt với điều kiện đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Kết quả nghiên cứu: Tuyển chọn được 3 cây bơ “đầu dòng” có khả năng tự thụ phấn (self pollination) trồng một cây duy nhất (single tree) vẫn có thể cho trái ổn định, năng suất cao, chất lượng tốt và thích ứng tốt với điều kiện sinh thái tại địa bàn tỉnh Tiền Giang và nhân giống được 60 cây bơ giống từ 3 cây bơ đầu dòng này. 

 Đóng góp về mặt kinh tế - xã hội, giáo dục và đào tạo, an ninh, quốc phòng và khả năng áp dụng của đề tài: Góp phần cải thiện đời sống của nông dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang qua việc cải thiện cảnh quan môi trường, cải thiện bữa ăn và thêm thu nhập; gắn kết giữa học tập ở nhà trường với thực tiễn sản xuất và kết quả của đề tài có thể được ứng dụng trong việc chọn lọc những cây bơ “đầu dòng” để ngành nông nghiệp tổ chức phát triển cây bơ ghép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Đề cao giá trị của một giống cây trồng có thể là đặc sản và còn nhiều tiềm năng trong cơ cấu đa dạng hóa cây trồng ở Tiền Giang; Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về quả bơ chất lượng cao cho người tiêu dùng, siêu thị trong nước.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khách quan, Hội đồng nghiệm thu đề tài đã thảo luận, nhận xét về kết quả của đề tài và các vấn đề liên quan đến thực hiện nhiệm vụ; đồng thời tiến hành đánh giá, xếp loại. Kết quả, 5/5 thành viên của Hội đồng đã nhất trí đánh giá nghiệm thu đề tài đạt loại Xuất sắc (90 điểm).

VĨNH SƠN

Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm

Các tin khác :