08-04-2018
Tháng 3 năm 2012, trong chuyến thăm hữu nghị cấp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ xây dựng Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (Vietnam – Korea Institute of Science and Technology, V-KIST) theo mô hình Viện Khoa học Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (Korea Institute of Science and Technology - KIST), nơi đã rất thành công tại khi đóng góp cho sự chuyển mình của Hàn Quốc từ đất nước sản xuất công nghiệp nhẹ trở thành quốc gia hàng đầu trên thế giới về công nghiệp công nghệ cao.
Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc tại Thủ đô Seoul
Ngày 22/3/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Phó Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Thịnh đã tiến hành lễ động thổ xây dựng trụ sở Viện V-KIST tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - Hà Nội với 4 toà nhà dành cho nghiên cứu được trang bị thiết bị công nghệ hiện đại nhất, đặc biệt nguồn nhân lực sẽ được tuyển chọn tập trung phát triển vào hai ngành mũi nhọn là Công nghệ Thông tin và Công nghệ Sinh học. Riêng đối với lĩnh vực Công nghệ Sinh học, Tiến sĩ Kum Dongwha (Viện trưởng KIST giai đoạn 2006-2008, đã được bổ nhiệm là Viện trưởng V-KIST từ 2017 đến 2022) cho biết sẽ tập trung nghiên cứu hai lĩnh vực mà Việt Nam đang có nền tảng và nguyên liệu đó là phát triển các giải pháp Công nghệ Sinh học trong bảo quản sau thu hoạch nông sản và nâng cao chuỗi giá trị cây thảo dược Việt Nam.
Viện trưởng - Tiến sĩ Kum Dongwha và mô hình V-KIST trong tương lai
Sự thành lập V-KIST ở hiện tại và hướng phát triển trong tương lai gần cũng như sự nâng cấp Trung tâm Công nghệ Sinh học Thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm Công nghệ Sinh học Quốc gia và sự phát triển của hàng loạt các Trung tâm Công nghệ Sinh học trực thuộc các Tỉnh, Thành phố đã cho thấy sự phù hợp với quy hoạch phát triển Công nghệ Sinh học tại Việt Nam đến năm 2020 của Chính phủ và là minh chứng cho vị trí và vai trò ngày quan trọng của ngành Công nghệ Sinh học trong tương lai.
Nắm bắt xu hướng phát triển này, ngành Công nghệ Sinh học của Trường Đại học Tiền Giang đã liên tục cập nhất, đổi mới chương trình đạo tạo theo hướng tiếp cận các ứng dụng nổi bật phục vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Trong đó, những kiến thức và kỹ năng nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật và kỹ thuật sinh học phân tử nhằm cải tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp như thủy - hải sản, lúa gạo, cây ăn quả đang được tập trung nghiên cứu và giảng dạy. Song song đó, với sự đầu tư của Ủy ban Nhân dân Tỉnh Tiền Giang cho hệ thống phòng thí nghiệm và trại thực nghiệm, đội ngũ cán bộ giảng viên của ngành Công nghệ Sinh học cũng triển khai các nghiên cứu về nhân giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào và thu nhận các chất có hoạt tính sinh học ứng dụng trong ngành dược phẩm và mỹ phẩm, đặc biệt là từ nhóm cây thảo dược như ngũ gia bì, xuyên tâm liên...
Ngoài học tập và nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm, trại thực nghiệm, sinh viên ngành Công nghệ Sinh học, Đại học Tiền Giang còn được tham quan, kiến tập thực tế, thực tập tại nhiều cơ quan, viện nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ Sinh học ứng dụng như: Viện nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Cây ăn quả Miền Nam, Viện Pasteur TP.HCM, Nhà máy bia Sapporo Việt Nam, Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam, Công ty TNHH Yakult Việt Nam, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, Công ty Tảo Vĩnh Hảo, Nhà máy Vang Đà Lạt, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ Sinh học Tiền Giang, Trung tâm ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao Bến Tre, Khu ứng dụng Công nghệ Sinh học Cái Mơn, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre.